Thêm 5 dự án điện mặt trời

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa đồng ý chủ trương đầu tư 5 dự án điện mặt trời trên địa bàn TP. Cam Ranh, huyện Cam Lâm và thị xã Ninh Hòa. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, vẫn còn một số vấn đề cần lưu ý khi triển khai các dự án.

Nhà máy điện mặt trời Kagoshima Nanatsujima của Nhật
Nhà máy điện mặt trời Kagoshima Nanatsujima của Nhật.
 
Nhiều ưu điểm
Trong 5 dự án này, các Nhà máy điện mặt trời Cam Lâm VN, Nhà máy điện mặt trời nổi trên hồ Suối Dầu và Nhà máy điện mặt trời nổi trên hồ Cam Ranh đều nằm trên địa bàn huyện Cam Lâm. Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời An Việt đóng tại Cam Ranh và Nhà máy điện mặt trời Long Sơn dự kiến xây dựng ở xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa.
Theo đánh giá của sở, ngành liên quan, các dự án đều được bố trí ở những khu vực hợp lý, đất cằn cỗi, ít được sử dụng, không ảnh hưởng đến việc canh tác của địa phương. Điều này vừa nâng cao giá trị đất, đồng thời tạo hiệu quả kinh tế rõ rệt khi dự án đi vào hoạt động. Ví dụ như Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời An Việt do Công ty TNHH Phát triển Năng lượng xanh An Việt - Nha Trang làm chủ đầu tư. Dự án dự kiến xây dựng tại thôn Hòa Sơn, xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh với diện tích khoảng 60ha, tổng công suất khoảng 40MWp. Trong 60ha đất mà chủ đầu tư đưa vào dự án, phần lớn là đất bạc màu, hiệu quả sản xuất nông nghiệp không cao và chỉ được quy hoạch để làm nghĩa trang, bãi rác. Nếu đầu tư dự án điện mặt trời vào khu vực này, hiệu quả sử dụng đất sẽ tăng cao, hàng năm sẽ đóng góp đáng kể cho nguồn thu ngân sách. Hay như Dự án Nhà máy điện mặt trời Cam Lâm VN, do Công ty TNHH Cam Lâm Solar làm chủ đầu tư cũng có những ưu điểm tương tự. Dự án này được đề xuất thực hiện trên diện tích khoảng 75ha tại xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm. Vị trí dự án triển khai là phần đất thuộc bãi chứa vật liệu khi thi công hồ Tà Rục. Lâu nay, diện tích đất này do Nhà nước quản lý và chưa đưa vào sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Nếu muốn sản xuất được phải có thêm kinh phí để cải tạo. Sau khi xem xét tính hiệu quả, năm 2016, UBND tỉnh đã quy hoạch vị trí này để phát triển điện mặt trời.
Đặc biệt, trong 5 dự án điện mặt trời vừa được thông qua, có 2 dự án được làm nổi trên mặt các hồ chứa nước Cam Ranh và Suối Dầu. Việc thi công dự án trên mặt hồ vừa tạo thêm công năng mới cho các công trình chứa nước, đồng thời cũng mở ra mới hướng đi trong công nghệ với nhiều ưu điểm nổi bật. Ông Nguyễn Ngọc Minh - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Điện mặt trời là loại hình sản xuất điện năng lượng sạch, thân thiện với môi trường; làm điện mặt trời nổi trên mặt hồ có rất nhiều ưu điểm. Do không chiếm diện tích đất canh tác. Bên cạnh đó, hạn chế khả năng nước bay hơi khoảng 30%, hạn chế tảo bẩn trong nước, tăng cường hệ sinh thái trong lòng hồ và một số lợi ích khác. Có thể nói, đây là một trong những phương án xây dựng điện mặt trời không chỉ mới ở Việt Nam mà cả trên thế giới”.
 
Vẫn còn băn khoăn
Tại cuộc họp của UBND tỉnh với các sở, ngành, địa phương liên quan để nghe báo cáo về việc thẩm định hồ sơ xin chủ trương đầu tư 5 dự án điện mặt trời mới đây, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: “Các dự án điện mặt trời đầu tư ở những địa điểm hợp lý, vừa phù hợp quy hoạch, vừa là những khu đất cằn cỗi, hiệu quả sản xuất nông nghiệp không cao. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần tính toán kỹ sự ảnh hưởng của đường cao tốc Bắc - Nam đối với các dự án này”.
Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh băn khoăn về vấn đề đền bù của các dự án, đặc biệt là các dự án liên quan đến đền bù cho đồng bào dân tộc thiểu số. “Đối với các dự án điện mặt trời nổi trên các mặt hồ chứa nước phải tính đến mức độ ảnh hưởng của hệ thống pin đối với vận hành hồ. Đặc biệt trong mùa lũ, nước lên xuống và xả lũ”, ông Trần Sơn Hải chia sẻ. Bên cạnh lưu ý chủ đầu tư về sự ảnh hưởng của các dự án điện mặt trời nổi trên hồ chứa nước trong việc vận hành, nạo vét hồ sau này, các ngành chức năng còn quan tâm đến sự ảnh hưởng của các tấm pin đối với chất lượng nước trong hồ. Lãnh đạo UBND tỉnh cũng như các sở, ngành đề nghị các chủ đầu tư phải có báo cáo chi tiết về vấn đề này.
Ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Phát triển điện mặt trời là cần thiết, nhưng phải đảm bảo được môi trường. Chúng ta không đánh đổi môi trường sống cho dự án điện mặt trời. Đặc biệt, các dự án điện mặt trời nổi trên các hồ chứa nước Cam Ranh và Suối Dầu phải có đánh giá cụ thể tác động của pin đối với nước trong hồ. Bởi đây là hồ vừa chứa nước thủy lợi vừa chứa nước sinh hoạt. Vì thế, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân. Nếu không an toàn cho dân thì không làm”. Ông Lê Đức Vinh cũng lưu ý, chủ đầu tư nghiên cứu, tính đến phương án đường cao tốc Bắc - Nam có khả năng đi qua khu vực dự án để có những tính toán xây dựng hợp lý. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư cam kết tiến độ để tránh tình trạng sau khi dự án được phê duyệt thì thi công kéo dài.
 
Hãy chia sẻ với chúng tôi trên mạng xã hội:

Bình luận trao đổi

Xin mời nhập văn bản có dấu để rõ nghĩa.

 
 
   
 
 

Hỗ trợ trực tuyến

Thống kê

Đang online:
5
Hôm nay:
115
Hôm qua:
119
Tuần này:
234
Tuần trước:
962
Tháng này:
5,323
Tháng trước:
7,063
Tất cả:
79,511
Bấm Gọi0974 953 338
Top